Danh mục sản phẩm
Hổ trợ trực tuyến
Đối tác
Cân chỉnh góc đặt bánh xe
Cân chỉnh thước lái sẽ giúp cho bánh xe cân bằng, thẳng trục và phối hợp tốt với hệ thống treo cũng như hệ truyền động. Cân chỉnh thước lái sẽ giúp cho vỏ xe ít bị mài mòn hơn do tạo ra bề mặt tiếp xúc ổn định.
Hơn nữa, việc cân chỉnh thước lái giúp cho xe vận hành an toàn hơn và ổn định hơn, đặc biệt là ở tốc độ cao. Nếu có các hiện tượng như bánh xe bị rung giật, bánh lái có xu hướng lệch sang một bên khi chạy thẳng, vị trí các bánh xe bị lệch trục (có thể phát hiện bằng mắt thường)… thì bạn nên mang xe đến các trung tâm uy tín để cân chỉnh lại thước lái. Ngoài ra, sau khi sửa chữa xe mà cần phải tháo các bánh xe và hệ thống treo thì bạn cũng nên yêu cầu các kỹ thuật viên cân chỉnh lại thước lái khi lắp đặt lại.
Giờ đây không phải tìm đâu xa khi xe gặp sự cố Quý khách hàng có thể đến Lốp xe Ngọc Hạnh chúng tôi để được chăm sóc chiếc xe yêu quý của mình, với trang bị đầy đủ máy móc hiện đại và đội ngũ thợ lành nghề.
Đôi khi xe chúng ta bị nhao lái, mất lái hay lốp mòn không đều, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến những hiện tượng trên mà bạn nên nghĩ tới là các góc đặt bánh xe đã bị sai lệch. Cách khắc phục chính là phải đưa xe đi cân chỉnh độ chụm ngay.
Để hiểu cân chỉnh độ chụm là gì, chúng ta cùng làm rõ một số khái niệm sau:
Góc Camber
- Khái niệm: là góc ngả ra ngoài hoặc úp vào trong của bánh xe (trước hoặc sau) so với phương thẳng đứng được nhìn từ phía trước (hoặc sau).
Camber được tính bằng độ và phút; camber dương khi bánh xe ngả ra ngoài (nhìn từ trước hoặc sau có hình chữ V); camber âm khi bánh xe úp vào trong (nhìn từ trước hoặc sau có hình chữ A); camber bằng 0 khi bánh xe vuông góc với mặt đường.
- Chức năng: Góc camber dương xe có xu hướng chạy rất ổn định trên đường thẳng (không cần giữ tay lái), camber âm tại bánh sau rất tốt cho xe giữ ổn định khi vào cua với vận tốc cao. Ngoài ra do chế tạo góc camber nên lực tác động từ mặt đường lên vành lái được giảm thiểu, đồng thời các chi tiết của hệ thống treo được bền do giảm cánh tay đòn và lực trực diện từ mặt đường được phân tích thành các lực thành phần có cường độ nhỏ hơn.
- Các bệnh do camber không đúng tiêu chuẩn gây ra: Nếu camber dương quá tiêu chuẩn sẽ gây ăn mòn lốp má ngoài, camber âm quá sẽ gây ăn lốp má trong. Nếu camber bên phải và camber bên trái sai biệt quá tiêu chuẩn - xe sẽ có xu hướng nhao về bên dương nhiều hơn.(Ví dụ camber bên trái là 0 độ, camber bên phải là – 0 độ 45' - xe sẽ nhao về bên trái)
Góc Caster
- Khái niệm: là góc ngả về phía trước hoặc phía sau của trục quay bánh lái (trục tưởng tượng vẽ mầu đỏ trên video) so với phương thẳng đứng nhìn từ bên cạnh xe.
Caster được đo bằng độ và phút. Caster dương khi trục quay bánh lái ngả về phía sau, caster âm khi trục quay bánh lái ngả về phía trước, caster bằng không khi trục quay bánh lái trùng với phương thẳng đứng.
- Chức năng: Caster dương làm cho bánh lái luôn chuyển động theo hướng của khung xe và tự động trả lái sau khi vào cua (do thiết kế trục quay bánh lái nghiêng về phía sau nên hễ khi xe có xu hướng quay vòng thì trọng lượng của xe sẽ đè lên trục moay ơ của bánh xe bắt nó quay về hướng chạy thẳng)
- Các bệnh do caster không đúng tiêu chuẩn gây ra: Caster bị sai so với tiêu chuẩn không gây ăn mòn lốp. Nếu caster hai bên trái và phải không bằng nhau thì xe sẽ có xu hướng nhao về bên ít dương hơn (ví dụ caster bên trái là + 2.0 độ; caster bên phải là + 3.2 độ - xe sẽ bị nhao lái về bên trái)
Góc Toe (Độ chụm bánh xe)
- Khái niệm: là hiệu số khoảng cách giữa hai má lốp đo từ phía sau với khoảng cách giữa hai má lốp đo từ phía trước trên cùng một trục xe.
Độ chụm được tính bằng inch, mm, độ và phút. Độ chụm dương (toe-in) khi khoảng cách giữa hai má lốp ở phía trước ngắn hơn so với khoảng cách hai má lốp đo tại vị trí sau. Độ chụm âm (toe-out) khi khoảng cách giữa hai má lốp đo tại phía trước lớn hơn so với phía sau. Độ chụm bằng không khi hai bánh song song với nhau.
- Chức năng: khi xe chuyển động thì độ cao của thân xe so với mặt đường sẽ khác với độ cao của thân xe khi đứng yên. Khi độ cao xe thay đổi nó làm cho chiều dài của rôtuyn lái thay đổi dẫn đến độ chụm bị thay đổi. Vì lý do đó người ta làm độ chụm sẵn để bù trừ khi chạy tốc độ cao độ chụm sẽ tiến dần bằng không để tránh ăn mòn lốp.
- Các bệnh do độ chụm sai gây ra: Độ chụm không gây nhao lái- độ chụm sai chỉ làm vẹo vô lăng (ví dụ xe có độ chụm bên trái là 0 độ, độ chụm bên phải là 0 độ 50'- khi xe chuyển động thông qua cơ cấu thước lái xe sẽ tự động chia lại độ chụm bên trái là 25' và độ chụm bên phải 25' nhưng lúc này vô lăng bị lệch đi một góc). Ngoài ra độ chụm toàn phần sai còn gây ăn mòn lốp rất dữ: độ chụm quá dương sẽ ăn mòn má ngoài lốp, độ chụm quá âm sẽ làm ăn mòn lốp má trong.
Các góc đặt bánh xe là không cố định mãi mãi. Sau một chuyến đi dài trên những con đường xấu xí, ghồ ghề hay chỉ một cú xóc tồi tệ có thể làm lệch đi các góc đặt bánh xe, hoặc đơn giản thì theo thời gian, các góc này cũng dần lệch ra khỏi tiêu chuẩn, việc này diễn ra hết sức từ từ mà không gây hậu quả ngay lập tức. Nó khiến người lái xe không thể nhận biết, họ dần dùng sức để “bù lại” sự sai lệch này (như thường xuyên ghì tay lái để cho chiếc xe đi thẳng), và điều này là vô cùng nguy hiểm
Như vậy việc các góc đặt bánh xe trên bị sai hoặc không đúng tiêu chuẩn đều có thể dẫn tới những mối nguy hại cho người lái xe như nhao lái, mất lái, lốp mòn không đều…, khiến người lái xe nhẹ thì mệt mỏi khi vận hành xe, tốn kém nhiều chi phí trong việc thay lốp, nặng là gặp những nguy cơ về tai nạn khi lưu thông trên đường. Chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của việc cân chỉnh độ chụm, đưa các góc đặt bánh xe về đúng tiêu chuẩn.